TÀI NGUYÊN VỊ THẾ


   
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
   

I. TÀI NGUYÊN VỊ THẾ TỰ NHIÊN


1.1. Vị trí không gian

Về vị trí trong không gian, vùng bờ Thanh Hóa có bốn đặc điểm chủ yếu và quan trọng như sau:

- Nằm chuyển tiếp giữa ven bờ Bắc Bộ và Trung Bộ.

- Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa biển và lục địa có đồng bằng ven biển lớn thứ ba ở Việt Nam.

- Nằm ở khu vực giữa của dải bờ Tây Vịnh Bắc Bộ thuộc Việt Nam (hình 3).

- Nằm ở vùng lõm sâu nhất của dải bờ Tây Vịnh Bắc Bộ mà điểm lõm nhất là vịnh Diễn Châu (hình 3).

Xuất phát từ vị trí cấu trúc địa chất nằm ở cực Bắc của Bắc Trung Bộ, thuộc về hai đai tạo núi khác nhau: phía Bắc đới khâu Sông Mã là đai tạo núi nội lục Paleozoi sớm Tây Bắc Bộ, còn phía Nam thuộc đai tạo núi Paleozoi muộn- Mesozoi sớm Trường Sơn, vùng bờ Thanh Hóa trở thành vị trí chuyển tiếp giữa dải ven bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính chất chuyển tiếp này không chỉ về đặc điểm hình thái địa hình mà cả về đặc điểm hải văn, trong khi đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng gần hơn Bắc Trung Bộ.

Dải ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ theo ranh giới tự nhiên kéo dài từ Móng Cái đến mũi Hải Vân, dựa vào các yếu tố động lực thống trị; kiểu bờ; đặc điểm vật liệu tích tụ hiện đại; xu thế phát triển và thủy vực ven bờ đặc trưng, đã được chia thành bốn vùng: 1- Móng Cái – Đồ Sơn; 2- Đồ Sơn – Lạch Trường; 3- Lạch Trường – Mũi Ròn và 4- Mũi Ròn – Hải Vân.

          
Hình 3: Vị trí của vùng bờ Thanh Hóa ở dải ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ.

Bờ biển Thanh Hóa thường được hiểu là thuộc về dải bờ biển Bắc Trung Bộ. Nhưng theo bản chất tự nhiên, bờ biển Thanh Hóa thuộc về hai vùng bờ khác nhau là Đồ Sơn – Lạch Trường và Lạch Trường – Mũi Ròn.

Vùng ven bờ Đồ Sơn - Lạch Trường có những đặc trưng cơ bản: 1- Động lực thống trị: sông;  Kiểu bờ biển châu thổ; 3- Đặc điểm vật liệu tích tụ hiện đại: bùn bột sét; 4- Xu thế phát triển: bồi tụ lấn tiến nhanh ra biển; 5- Thủy vực ven bờ: vùng cửa sông châu thổ điển hình.

Trong khi đó, vùng ven bờ Lạch Trường - Mũi Ròn có những đặc trưng cơ bản như sau: 1- Động lực thống trị: sông, sóng; 2- Kiểu bờ: đồng bằng aluvi - biển; 3- Đặc điểm vật liệu tích tụ hiện đại: cát, cát bột; 5- Xu thế phát triển: mài mòn các mũi nhô, bồi tụ các cung lõm, cửa sông; lục địa tiến chậm ra biển; 5- Thủy vực ven bờ: Các cửa sông nhỏ có doi cát chắn cửa và các lagun nhỏ phía trong.

Như vậy, khu vực ven bờ các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc về bản chất tự nhiên thuộc về ven bờ đồng bằng châu thổ sông Hồng hiện đại.

Về cơ bản, hướng chủ đạo của vùng bờ Thanh Hóa trùng với của Bắc Bộ hơn là Bắc Trung Bộ và ven bờ phía Bắc Thanh Hóa vùng nhận được lượng phù sa rất đáng kể của hệ thống sông Hồng. Nếu như trên lục địa, Thanh Hóa phân cách với Bắc Bộ qua dải núi Tam Điệp hiểm trở thì tại vùng bờ biển, quan hệ không gian giữa vùng bờ Thanh Hóa và Bắc Bộ thông thoáng. Điều này có nghĩa là khi đường cao tốc dọc venbiển cả nước được hình thành thì Thanh Hóa có vùng ảnh hưởng hấp dẫn rất lớn trong mối quan hệ với Hải Phòng và Quảng Ninh ở ven bờ Bắc Bộ.


1.2. Hình thể và cấu trúc không gian

1.2.1. Hình thái và quy mô dải ven bờ

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.120 km2, trong đó đồi núi khoảng 75,44%, đồng bằng 14,61% và vùng ven biển 9,95%. Theo đặc điểm hình thái, địa hình lục địa ven bờ và các đảo Thanh Hóa có thể chia thành 2 nhóm lớn: Nhóm địa hình đồi, núi thấp và nhóm địa hình đồng bằng. Nhóm địa hình đồi và núi thấp ven bờ dao động trong khoảng độ cao 100 - 1400m có xu thế cao dần từ Bắc vào Nam, gồm tập hợp nhiều bề mặt san bằng có tuổi khác nhau từ Paleogen muộn đến tuổi Pleistocen muộn. Địa hình đồng bằng gồm có ba nhóm có tuổi khác nhau: đồng bằng mài mòn - tích tụ cao 10 -15m tuổi Pleistocen muộn; đồng bằng tích tụ biển Holocen giữa cao 2 - 5m; đồng bằng tích tụ sông biển tuổi Holocen muộn tạo thành những dải hẹp ven biển có độ cao 0,5 - 1,5m., trên đó nhiều nơi nổi lên các còn cát dọc bờ độ cao đạt đến 5m.

Thanh Hoá có tổng số 102 km bờ biển và vùng biển rộng 17.000 km2. Bờ ngầm hay sườn bờ ngầm hiện đang chịu tác động của sóng và có thể chia làm hai đới:

- Địa hình phát triển trong đới sóng phá hủy, có ranh giới ngoài thường tới đường đẳng sâu 5 - 10m. Đồng bằng tích tụ ngầm gợn sóng có các gợn sóng cát hoặc val cát ngầm song song với đường bờ. Kết quả tương tác giữa các yếu tố động lực sông, sóng đã tạo nên các bar cát ngầm chắn trước cửa sông (Cửa Hới) và các doi cát kéo dài chắn ngang cửa sông (Lạch Ghép, Lạch Bạng).

- Địa hình phát triển trong đới sóng biến dạng, thường rõ ranh giới ngoài đến đường đẳng sâu 10 - 20m, trầm tích bề mặt bùn sét chiếm ưu thế. Ngoài phạm vi đới sóng biến dạng là đáy biển không chịu tác động của sóng đến đáy và rất ít bồi tích còn tồn tại khá tốt một số dạng địa hình cổ bị ngập chìm như thung lũng sông cổ, đê cát cổ. Hệ thống đê cát cổ phân bố ở độ sâu 25 - 40m nước thường gặp ở ngoài khơi Sầm Sơn và Hòn Mê.

Hệ thống bờ, bãi và các mũi nhô

Các dạng địa hình bờ chủ yếu có nguồn gốc do sóng (bãi triều, thềm mài mòn), một số ít do sông và triều hoặc hỗn hợp sông - sóng - triều (bãi triều, bãi ngầm chắn cửa sông...).

Các bãi cát biển có giá trị bảo vệ bờ biển, nơi cư trú của sinh vật, là cảnh quan sinh thái đẹp cho nghỉ dưỡng và du lịch, bế thuyền neo đậu cho nghề cá nhân dân và đặc biệt là nới đổ bộ thuận lợi trong chiến tranh. Bãi cát biển là dạng địa hình phổ biến ở ven bờ Thanh Hóa, thường hẹp, dốc 1 đến 100, rộng 100 - 150m, đôi khi 200 - 500m. Từ Lạch Trường đến Sầm Sơn, bãi rộng khoảng 150m, dốc 1 - 20 cấu tạo bằng cát nhỏ, cát trung màu vàng. Từ Sầm Sơn đến Mũi Bạng, bãi rộng 50m, dốc 5 - 100 cấu tạo bởi cát hạt trung, hạt nhỏ. Từ mũi Bạng đến Biển Sơn, bãi thoải, chỉ rộng trung bình 50m, cấu tạo bởi cát bột.  Đảo Biển Sơn đã nối với bờ theo phương thức nối đảo (tombolo) và bằng công trình nhân tạo. Động lực thủy triều đã tạo nên các dạng địa hình tích tụ như: bãi triều hẹp ven, đầm phá, bãi lấp góc nối đảo với bờ, các bãi triều lầy sú vẹt ven các cửa sông.

Thềm mài mòn và vách dốc là dạng địa hình chỉ chiếm khoảng 10% chiều dài đường bờ Thanh Hóa, phân bố ở các cung bờ và các mũi nhô đá gốc nhô ra biển. Hoạt động mài mòn của sóng đã tạo nên các bề mặt mài mòn, bãi đá tảng và vách dốc cao vài mét đến chục mét.

Bảng 1: Thống kê đặc trưng bờ biển Thanh Hóa và  Bắc Trung Bộ

Đoạn bờ    (theo tỉnh)

Hướng đường bờ

Chiều dài cơ bản (km)

Bờ trầm tích bở rời (km)

Bờ đá gốc (km)

Thanh Hoá

BĐB- NĐN

88,3

79,5

8,8

Nghệ An

Vòng cung lõm

80,7

66,9

13,8

Hà Tĩnh

TB - ĐN

37,1

104,8

32,4

Quảng Bình

TB - ĐN

94,3

87,1

7,2

Quảng Trị

TB - ĐN

49,0

41,5

7,5

T.T - Huế

TB - ĐN

116,3

94,8

21,5

Tổng

565,7

474,6

91,1

Các mũi đá nhô có vai trò phân đoạn hình thái – động lực bờ biển, có lợi ích về cảnh quan du lịch, nhận biết hành trình đi biển và là các điểm quan sát, canh phòng mặt biển. Một số mũi nhô có giá trị duy trì sự ổn định của các lạch cửa liền kề. Nói chung các mũi nhô của Thanh Hóa thấp và ít vươn xa ra biển, lần lượt từ phía Bắc xuống phía Nam, có các mũi nhô  như sau:

- Mũi Hoằng Yến  được cấu tạo từ các thành tạo đá biến chất của hệ tầng Nậm Cô tuổi PR muộn – Cambri sớm  (PR3- ϵ nc). Mũi này nằm sát phía Nam cửa Lạch Trường, bảo vệ cho cửa này khỏi bị bồi lấp do dòng bồi tích dọc bờ từ phía Tây Nam đi lên.

- Mũi Sầm Sơn (ảnh 1), cao 82m, được cấu tạo từ  đá xâm nhập granit pocphia thuộc phước hệ Mường Lat tuổi Cacbon sớm (aC1 ml). Mũi Hoằng Yến ở phía Bắc và mũi Sầm Sơn ở phía Nam vùng cửa sông Mã hiện đại, định vị cho cho cửa sông này và phần nào giúp cho cửa tương đối ổn định về vị trí.

- Mũi Bạng, cao 92m,  được cấu tạo bởi các thành tạo đá trầm tích thuộc hệ tầng Đồng Đỏ (T3n-r đđ). Sự tồn tại của Mũi Bạng tích tụ kiểu nối đảo (tombolo) với núi tròn cao 95m góp phần duy trì và bảo vệ cửa Lạch Bạng trước nguy cơ bị sa bồi do dòng bùn cát dọc bờ từ phía Bắc đi xuống.

- Đảo Biện Sơn, cao nhất là đỉnh Ngọc Sơn 158m, nay đã được nối bờ thành bán đảo, được cấu tạo bởi các thành tạo đá trầm tích thuộc hệ tầng Đồng Đỏ (T3n-r đđ). Sự tồn tại của Mũi Bạng và đảo Nghi Sơn đảm bảo cho sự hình thành và ổn định của Vịnh Nghi Sơn, một vịnh nhỏ và hở nhưng đặc biệt quan trọng đối với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa.


Ảnh 1: Mũi Sầm Sơn (ảnh Trần Đức Thạnh)

Hệ thống các cửa sông


Thanh Hóa có 5 con sông chính: Lèn, Lạch Trường, Mã, Yên và Khê Dứa, trong đó ba con sông đầu tiên thuộc hệ thống sông Mã. Chúng đổ ra biển qua 5 cửa: cửa Lèn, cửa Lạch Trường, cửa Hới và cửa Lạch Ghép (bảng 2 ). Các cửa sông là lối thoát nước và phù sa ra biển, là cửa mở ra biển, nơi neo trú tránh gió bão cho tàu thuyền và còn là các cứ điểm phòng thủ và xuất phát tác chiến trên biển. Hầu hết các cửa là ranh giới tự nhiên giữa các huyện ven biển: cửa Len giữa Hậu Lộc và Nga Sơn, cửa Lạch trường giữa Hoằng Hóa và Hậu Lộc; Cửa Hới giữa Sầm Sơn và Hoằng Hóa; cửa Lạch Ghép giữa Tĩnh Gia và Quảng Xương.

Bảng 2. Danh sách hệ thống các cửa sông ven biển Thanh Hóa

STT

Tên sông

Thuộc hệ thống

Diện tích lưu vực (km2)

Cửa sông đổ ra biển

1

Lèn

 

Sông Mã

Toàn bộ: 28.400
Trong nước: 17.600

Cửa Lèn

2

Lạch Trường

Cửa Lạch Trường

3

Cửa  Hới

4

Yên

 

1850

Cửa Lạch Ghép

5

Khê Dứa

 

234

Lạch Bạng



Hình 4: Sơ đồ cấu trúc vùng cửa sông Mã


Ghi chú: 1- Đá gốc; 2- Đồng bằng cát Holocen; 3- Ranh giới bãi bồi bùn cát; 4- Bãi cát biển; 5- Đê; 6- Đường đẳng sâu và trị số (nguồn: Trần Đức Thạnh, 1991)

Cửa Hới (hay cửa Lạch Trào – hình 4) là vùng cửa lớn nhất Thanh Hóa và là cửa chính thuộc hệ thống sông Mã.  Vào đầu thế kỷ XIX, cử chính của hệ thống sông Mã là cửa Lạch Trường (Charles Robequain, 1929). Sông Mã là con sông lớn hàng đầu ở Bắc Trung Bộ và cũng là sông lớn ở nước ta (bảng 3). Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt Nam. Sông Mã bắt nguồn từ phía Nam tỉnh Điện Biên chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La, qua lãnh thổ Lào, rồi tới tỉnh Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, sông tiếp tục giữ hướng Tây Bắc - Đông Nam chảy qua các huyện phía Bắc của tỉnh, hội lưu với sông Chu rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Hới. Lưu vực của sông Mã rộng 28.400 km² (phần ở Việt Nam rộng 17.600 km²), độ cao trung bình 762m, độ dốc trung bình 17,6%, mật độ sông suối toàn lưu vực 0,66 km/km². Lưu lượng nước trung bình năm 52,6 m³/s. Các phụ lưu lớn của sông Mã là sông Chu, sông Bưởi, sông Cầu Chày đều hợp lưu với sông Mã trên địa phận Thanh Hóa. Ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ như sông Lũng, sông Sơn Trà, sông Nậm Soi.

Bảng 3. So sánh vùng cửa sông Mã với các vùng cửa sông chính của Việt Nam


TT

Vùng cửa sông

Lưu vực (km2)

Lượng nước (tỉ m3/năm)

Lượng bùn cát (106 tấn/năm)

Động lực thống trị

Mức độ đóng kín

Kiểu loại

1

Ka Long

773

1,7

 

Triều- sông

Nửa kín

Châu thổ

2

Tiên Yên

4820

0,66

0,0347

Triều

Nửa kín

Hình phễu

3

Bạch Đằng

12680

15

5

Triều

Nửa kín

Hình phễu

4

Hồng

155.000 

120

120

Sông- triều- sóng

Hở

Châu thổ

5

 28.490

20,1

4,35

Sóng-sông

Nửa kín

Châu thổ

6

Cả 

 27.200

24,2

4,41

Sóng- sông

Nửa kín

Châu thổ

7

Hương

2 380

4,18

0,503

sông

kín

Châu thổ

8

Thu Bồn

10.350

19,3

2,4

Sóng- sông

Nửa kín

Châu thổ

9

Ba

13 900

9,39

 

Sóng- sông

Nửa kín

Châu thổ

10

Đồng Nai

37.390

30.6

3,36

Triều

Nửa kín

Hình phễu

11

Mê Kông

795.000

520,6

90

Triều- sóng

Hở

Châu thổ

*Nguồn: Nguyễn Viết Phổ và nnk, 2003; WB et al. 1996.

Châu thổ sông Mã đại diện cho các vùng cửa sông châu thổ nhỏ vùng ven bờ Lạch Trường - Mũi Ròn. Cấu trúc cửa sông khá đặc biệt với các doi cát phát triển từ hai phía sát ngoài cửa có cấu tạo dạng khy áo đặc trưng. Các doi này phát triển tiếp tục từ các đê cát dọc bờ cao 4-5m, rộng 300 – 500m kéo dài từ mũi Hoằng Yến ở phía Bắc và mũi Sầm Sơn ở phía nam. Vùng cửa có cấu trúc gần kín và mang sắc thái của một vụng biển (lagoon), được bồi tụ theo phương thức lấp đầy dần. Vì thế địa tầng các bãi triều phía trong vùng cửa khá đồng nhất. Chúng thường được nổi cao 0,5 -1m trên mực biển trung bình. Lớp bề mặt là bùn sét hoặc cát bột màu nâu dày 10 – 50cm; lớp dưới là cát bùn xám đen dày 50 – 80cm; dưới nữa là cát bột, cát nhỏ chưa nhiều vỏ thân mềm biển dày 100 – 150cm. Hầu hết các bãi triều cao đã được quai đắp trồng lúa, màu hoặc nuôi trồng thủy sản.

- Vũng vịnh

Hệ thống vũng vịnh ven bờ biển Việt Nam có 48 cái, diện tích trong khoảng 2 - 560km2 và tổng diện tích khoảng 4000 km2. Vùng bờ biển Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế) có 5 vũng vịnh: vũng Nghi Sơn, vũng Quỳnh Lưu, vịnh Diễn Châu, vũng Áng, vũng Chân Mây. Các vũng vịnh này là sản phẩm muộn nhất của quá trình phát triển đồng bằng aluvi lấp đầy các dạng địa hình cổ của đới kiến trúc Hoành Sơn và Trường Sơn trong quá trình san bằng bờ. Nghi Sơn là vịnh ven bờ duy nhất của Thanh Hóa, nhưng có tầm quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Dưới đây là những đặc trưng cơ bản  về cấu trúc và động lực – hình thái của vịnh Nghi Sơn (bảng 4):

- Vị trí: vịnh Nghi Sơn có tọa độ địa lý: 105047’00’’-105049'05'' kinh độ Đông và 19020’00’’-19025'05'' vĩ độ Bắc, thuộc xã Tịnh Hải, huyện Tĩnh Gia.

- Kích thước và kiểu loại. Phân cấp theo nhóm chỉ tiêu kích thước (diện tích): Vịnh ven bờ (bay) khi diện tích trên 50 km2. Vũng (bight/shelter) khi diện tích dưới 50 km2.

Vũng nhỏ:   dưới 10 km2

Vũng lớn: 10 - 50 km2

Vịnh nhỏ: 50 - 100 km2

Vịnh lớn:  trên 100 km2

Vịnh Nghi Sơn có diện tích 27km2, rộng 3km, dài 10,5km thuộc loại vũng lớn.

-  Điều kiện địa chất: Đá gốc trầm tích thuộc hệ tầng Đồng Đỏ.Địa tầng tầng trên mặt đến  độ sâu 6 - 7m là cát rời rạc,đến -10,-11 là sét dẻo chảy hoặc bùn sét; phía dưới là lớp sét hoặc sét cát có khả năng chịu lực tốt.

- Độ sâu: Độ sâu vũng - vịnh được phân chia thành các cấp sau (Trần Đức Thạnh và nnk, 2008):

Nhóm có độ sâu rất lớn: trên 25m

Nhóm có độ sâu lớn sâu: từ trên 15m đến 25m

Nhóm có độ sâu trung bình: từ 5m đến 15m

Nhóm có độ sâu nhỏ: dưới 5m

Vịnh Nghi Sơn có độ sâu trung bình 5m, cực đại 7,4m, thuộc loại sâu trung bình.

- Hình thái vũng - vịnh: Hình thái vũng - vịnh ven bờ Việt Nam rất đa dạng, nhưng có thể phân thành 2 loại cơ bản: đẳng thước và kéo dài. Vịnh Nghi Sơn thuộc loại hình thái kéo dài.

- Hình thức tạo vịnh: Gồm hai loại mũi nhô thành bán đảo hầu hết là đá gốc và do các đảo chắn hỗn hợp.

Vịnh Nghi Sơn thuộc loại hình thành do mũi nhô đá gốc, đó là Mũi Bạng và Tombolo Nghi Sơn.

- Mức độ đóng kín: Chỉ số đóng kín vực nước được xác định bằng công thức sau:

i                                    (1)

Với:  S  - diện tích mặt nước

D1 -  độ sâu cực đại của vực nước

D2  - độ sâu cực đại của cửa

W  - chiều rộng cửa

I - là hệ số đóng kín của vũng - vịnh như sau (Trần Đức Thạnh và nnk, 2008):

0.05 = I < 0.1 vũng – vịnh thuộc nhóm rất hở

0.1 = I < 0.25  vũng – vịnh thuộc nhóm hở

0.25 = I < 0.5 vũng – vịnh thuộc nhóm nửa kín

0.5 = I = 1 vũng – vịnh thuộc nhóm gần kín

I > 1 vũng – vịnh thuộc nhóm rất kín

Vịnh Nghi Sơn có I = 0,2, thuộc loại vịnh hở.

- Thủy triều tại vịnh: Theo biên độ dao động triều, có thể phân biệt triều lớn (macrotide); triều vừa (mesotide) và triều nhỏ (microtide): 1- Microtide - triều thấp (dưới 2 m); 2- Mesotide - triều trung (2-3m); 3- Macrotide - triều cao trên 3m.

Vịnh Nghi Sơn thuộc loại triều lớn, Độ lớn triều đạt 3,5m.

- Cấu tạo thạch học bờ: Dựa vào tính ưu thế, chia ra thành 3 nhóm cấu tạo bờ:  bờ cấu tạo từ đá gốc ; bờ cấu tạo từ cát và bờ cấu tạo từ bùn.

Vịnh Nghi Sơn thuộc loại bờ cát, với tỷ lệ chiều dài bờ cát 80% và bờ đá 20%.

- Sông đổ vào vũng - vịnh: được phân cấp: 1- có đáng kể các sông suối đổ vào; 2-không có hoặc có không đáng kể sông suối đổ vào.

Với ảnh hưởng của sông Bạng và một số suối, vịnh Nghi Sơn thuộc loại có sông suối đổ vào đáng kể.

- Hình thức tạo vụng: Hình thành do hai mũi nhô: Mũi Bạng và tombolo Biện Sơn.

 Bảng 4. Tổng hợp các chỉ tiêu động lực – hình thái vịnh Nghi Son

Kích
thước

Độ
sâu

Hình dáng

Hình thức tạo vịnh

Mức độ đóng kín

Thủy triều
(độ lớn triều)

Cấu tạo thạch học bờ

Sông đổ vào

Đẳng thước

Kéo
dài

Mũi
nhô 

Đảo
chăn

Không
đáng kể

Đáng
kể

Nhỏ

TB

 

x

x

 

Hở

Lớn

Cát

 

x

Mang những đặc điểm chung của vũng vịnh với ưu điểm hình thái – động lực ổn định, rất ít sa bồi, độ sâu đáng kể và nhược điểm là cấu trúc thường hở, Vịnh Nghi Sơn có ưu điểm nổi bật là nằm kề sát đồng bằng nên mặt bằng trên bờ khai thác vịnh rất tốt và nhượcs điểm nổi bật là cấu trúc hở. Nhược điểm này được khắc phục bàng con kè chắn sóng khi xây dựng cảng (hình 5).

- Hệ thống đảo

Bắc Trung Bộ là vùng ít đảo nhất  với tổng số 57 đảo và tổng diện tích 14,3 km2 (chiếm 2,06% về số đảo và 0,83% về diện tích của các đảo ven bờ Việt Nam). Các đảo lớn nhất gồm: Hòn Mê (4,86 km2), Biện Sơn (2,94 km2), Cồn Cỏ (2,2 km2), hòn Mắt (0,8 km2), hòn Ngư, hòn Đót, hòn La, hòn Sơn Dương v.v. Thanh Hóa có ba đảo chính, trong đó đảo Biện Sơn đã được nối vào bờ.

- Hòn Mê

Hòn Mê (ảnh 2) là một quần đảo ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, có tọa độ địa lý 105°55'34" kinh độ Đông và 19°22'14" vĩ độ Bắc; diện tích 4,85km2 và cách đất liền khoảng 11 km. Trên đảo có ngọn hải đăng.

Quần đảo được cấu tạo từ đá trầm tích của hệ tầng Đồng Trầu (T2 a đt ) và đá basal, thấu kính đá vôi, dăm kết núi lửa thuộc hệ tầng Cẩm Thủy  (P2 ct). Quần đảo Hòn Mê gồm khoảng gần 20 đảo và đá trong đó đảo chính Hòn Mê (hay Cồn Bầu) có diện tích 420ha, bề rộng 3km, đỉnh cao nhất là 256m và phần lớn bờ đảo là vách đá dốc. Các hòn còn lại là, Hòn Đót, Hòn Cửa Kinh (hay Hòn Bò), Hòn Vàng, Hòn Xén, Hòn Xén Đông (hay Hòn Sảnh), Hòn Bảng (Hòn Bạng, hay Hòn Bung), Hòn Hộp và Hòn Hộp Tây (còn được gọi là 2 Hòn Diêm), Hòn Ruột (hay Hòn Ruộc, Hòn Gốc), Đá Nam Ruột (Hòn Cháy), Hòn Miệng (Hòn Miếu), Hòn Vát và Hòn Sổ Đông và Hòn Sổ Nam (còn được gọi là 3 Hòn Sổ), Hòn Sập, Đá Sập Bắc (hay Hòn Buồn), Hòn Nếu (hay Hòn Nếu Trong), Hòn Nếu Bắc (hay Hòn Nếu Ngoài).

Khu bảo tồn thiên nhiên biển đảo Hòn Mê có diện tích 420 ha, là một trong 16 khu bảo tồn biển năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 742/QĐ-TTg. Khu vực này đã ghi nhận được 440 loài sinh vật biển thuộc 165 giống, bao gồm 133 loài thực vật phù du, 46 loài động vật phù du, 8 loài rong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô. Nhiều loài sinh vật biển  ở đây cần được bảo vệ như san hô tạo rạn, tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm và một số loài rong biển. Rừng mưa nhiệt đới trên đảo được bảo tồn khá tốt với độ che phủ cao. Trên đảo có nhiều khỉ và một số loài động vật khác như chồn, sóc...

Khu vực biển đảo Hòn Mê không chỉ là vùng sinh thái biển giàu đẹp, mà còn trở thành khu tham quan, du dịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, là nơi lý tưởng cho tàu thuyền neo đậu khi gặp bão gió lớn. Đây cũng là vùng biển quan trọng trong phát triển kinh tế và phục vụ quốc phòng. Từ Hòn Mê, có thể quan sát về phía Nam đến đảo Mắt của Nghệ An, phía Đông Bắc tới Sầm Sơn.

Ảnh 2: Hòn Mê (ảnh tư liệu)

Ảnh 3: Hòn Nẹ (ảnh tư liệu)


- Hòn Nẹ

 Hòn Nẹ (ảnh 3)  có tọa độ địa lý  19°54'46" vĩ độ  Bắc và 106°00'32" kinh độ Đông, nằm cách bờ biển Hậu Lộc khoảng 6 km về phía Đông, cách bờ biển Hoằng Hoá khoảng 5 km về phía Đông Bắc và cách bờ biển Nga Sơn khoảng 6 km về phía Nam. Cũng đảo này, theo mô tả của Charles Robequain năm 1929 thì cách đất liền 10km. Đảo Hòn Nẹ  có đồn trú của một đơn vị bộ đội biên phòng của quân đội nhân dân Việt Nam.

Hòn Nẹ có đền thờ Long Vương. Hàng năm vào ngày 15 tháng 5 âm lịch dân chài ven biển Nga sơn, hậu Lộc, Hoằng Hóa lại tổ chức các đoàn thuyền rồng ra đảo làm lễ hội cầu mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng.


1.3. Động lực và tính ổn định

DVB Bắc Trung Bộ có chế độ động đất khá mạnh, mạnh nhất là vùng ven biển Thanh Hóa, nơi có cường độ chấn động I 0max =8-9 và liên quan với hệ thống đứt gãy Sông Mã. Ven biển Nghệ An- Hà Tĩnh cũng thuộc vùng động đất mạnh tới cấp 8, liên quan với đứt gãy Sông Cả (từ Vinh đến đèo Ngang) và cấp 7 (Quỳnh Lưu- Nghi Lộc). Từ đèo Ngang trở vào cường độ chấn động nhỏ hơn phía Bắc, đạt cấp 7 và 6 (MKS-64).

Trên cơ sở tài liệu đã được thu thập từ năm 1872 đến năm  1961 ở vùng ven bờ bắc Trung Bộ, sóng thần có thể đạt độ cao 2m và khả năng vào sâu trong đất liền 20km. Ngày 5/ 11/1992, tại điểm 180 vỹ Bắc 1080 kinh Đông thuộc vùng khơi Hà Tĩnh đã bắt gặp sóng thần với chiều cao cực đại là 0,8m (Phạm Văn Thục, 2001).

Vùng ven bờ Thanh Hóa có các cửa sông ít biến động như ở Nam Trung Bộ; có khả năng địa chấn và động đất cao; cơ bản là vùng bờ bồi tụ chậm, nhưng gần đây diễn biến xói lở phức tạp và là một vùng nhạy cảm khá cao với dâng cao mực nước biển.

Đã thống kệ được bờ biển Thanh Hóa có 12 điểm xói lở trên tổng chiều dài khoảng 21 km và tốc độ xói lở thường trong khoảng 5 – 15m/năm, cực đại 30m/năm. Bờ biển Hậu Lộc là một trong những điểm xói lở nghiêm trọng nhất.

Mỗi năm vùng BTB chịu tác động trực tiếp của  1- 2 cơn bão và ảnh hưởng gián tiếp của 2 -3 cơn bão khác. Khi bão đổ bộ vào bờ, với tốc độ gió mạnh 30 - 40m/s, giật tới 50m/s đã phá hủy nhiều nhà cửa, công trình kinh tế. Kèm theo gió bão mạnh là mưa lớn xẩy ra trên phạm vi rất rộng, trung bình bề rộng khoảng 150 - 200km, có khi tới 300 - 400km. Những cơn bão đổ bộ vào Thanh Hoá -  Hà Tĩnh tới 250 - 300mm mưa bão trung bình đạt khoảng 150 - 300m.

Nước dâng do bão là một tai biến rất nguy hiểm ở nước ta nói chung và ở BTB nói riêng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của cho các tỉnh ven biển. Trong 35 năm (từ 1945 - 1989), tỷ lệ phần trăm số cơn bão gây ra nước dâng ven bờ BTB như sau: có 50% số cơn bão gây nước dâng từ 100cm trở lên, 30% số cơn bão gây nước dâng 150cm trở lên và có 11% số cơn bão gây nước dâng lớn hơn 200cm. Nước dâng do cơn bão số 6 năm 1980 cao 3,3m đã làm hàng trăm km đê biển từ Lèn đến Hải Thượng (Thanh Hoá) bị vỡ, hàng ngàn ha lúa bị ngập nước và bị nhiễm mặn, nhiều người và tài sản đã bị cuối trôi.


II. TÀI NGUYÊN VỊ THẾ ĐỊA KINH TẾ


2.1. Vị trí thuận lợi cho khai thác tài nguyên biển

- Phát triển nuôi trồng và đánh bắt hải sản là một ưu thế của vùng bờ Thanh Hóa, nhờ dễ tiếp cận với các ngư trường và có điều kiện xây dựng cơ sở hậu cần, thu gom để sản phẩm để  tiêu thụ, chế biến với  nhiều cửa ngõ cho tiêu thụ và xuất khẩu.

- Nguồn lợi quan trọng của đới bờ  Thanh Hóa là khai thác cảng và phát triển giao thông vận tải biển cùng các dịch vụ đi kèm tại vũng vịnh và cửa sông.

- Vùng bờ Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, đồng thời là cũng là nơi rất thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ ngành du lịch biển, vừa do bản thân sở hữu phong phú các dạng tài nguyên này, vừa do việc tiếp cận là vô cùng dễ dàng, việc triển khai các hoạt động là thuận lợi cơ bản.

- Việc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, dầu khí ở ven bờ, trên thềm lục địa và trên đáy biển khơi cũng đều phải dựa vào vùng bờ biển và trên các đảo lớn, nơi tập trung vật tư thiết bị, tổ chức việc khai thác, nơi tập trung và chế biến sản phẩm và vận chuyển tiêu thụ.


2.2. Vị thế ưu việt cho xây dựng các khu kinh tế biển, các khu công nghiệp và quá trình đô thị hóa

Ở vùng bờ Thanh Hóa, không gian dành cho xây dựng các trung tâm kinh tế biển, nhất là các trung tâm kinh tế tổng hợp, thuận lợi nhất là xây dựng tại các trung tâm đầu mối giao thông nối với nội địa đồng thời gắn với các cảng biển và đường hàng hải quốc gia và quốc tế. Đó phải là các đô thị giáp với biển để có thể thực hiện đúng vị thế cửa ngõ của mình.

Các đô thị giáp biển sẽ là các cửa ngõ và là hạt nhân cho phát triển KT-XH của các địa phương ven biển. Quy mô và tầm quan trọng của chúng phụ thuộc trước hết vào độ lớn của không gian lãnh thổ mà chúng có thể vươn tới, vào giá trị của những sản phẩm mà chúng tạo ra, vào việc khai thác có hiệu quả tài nguyên vị thế cửa ngõ, đầu cầu của mình. Sự phát triển kinh tế và đặc biệt là quá trình hòa nhập gắn liền với phát triển các khu đô thị và công nghiệp. Gần đây và trong tương lai, ưu thế này tiếp tục thuộc về vùng bờ biển. Theo đúng nghĩa đô thị ven biển, Thanh Hóa mới có Sầm Sơn. Tương lai không xa, nhiều điểm ven biển sẽ được đô thị hóa mà nổi bật là Nghi Xuân.

KKT Nghi Sơn được đánh giá là trọng điểm phát triển phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan.

 Được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động số 102/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2006, Khu kinh tế Nghi Sơn đóng vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hoá và cả nước. Mục tiêu xây dựng và phát triển Nghi Sơn thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Công nghiệp lọc hoá dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu… gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp đẩy  mạnh xuất khẩu; mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của khu kinh tế Nghi Sơn xuất phát từ những vị thế đặc biệt vì Nghi sơn là một trong rất ít những địa điểm ở phía Bắc có điều kiện để xây dựng cảng biển nước sâu. Đây là điều kiện để thu hút những dự án có quy mô lớn, các dự án công nghiệp nặng gắn với cảng như lọc hoá dầu, luyện cán thép, đóng mới và sửa tàu thuyền, sản xuất nhiệt điện... và là cửa ngõ để giao lưu Quốc tế. Nhằm khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào Nghi Sơn, Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng cho KKT Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của Nhà nước, được hưởng môi trường đầu tư thuận lợi và thông thoáng để sản xuất kinh doanh.

Xây dựng thành công KKT Nghi Sơn không chỉ biến vùng này thành hạt nhân của các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước mà còn là động lực quyết định bước nhảy vọt về kinh tế của tỉnh Thanh Hoá.


2.3. Vị thế đắc lợi cho phát triển các ngành kinh tế dịch vụ

 Đây là lợi ích lớn nhất mà vị thế cửa ngõ có thể mang lại, với việc phát triển các ngành kinh tế dịch vụ cảng biển, giao thông hàng hải và các dịch vụ kèm theo về tài chính, ngân hàng, đào tạo, y tế… và du lịch biển. Như vậy vị thế cửa ngõ được khai thác chủ yếu dựa vào 2 yếu tố cơ bản: cảng biển và đường giao thông.

2.3.1. Phát triển cảng biển

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, hệ thống cảng biển Việt Nam hình thành 8 nhóm (Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ)

  • Nhóm A: nhóm cảng phía Bắc từ Quảng Ninh tới Ninh Bình

  • Nhóm B: nhóm cảng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa tới Hà Tĩnh

  • Nhóm C: nhóm cảng Trung Trung Bộ từ Quảng Bình tới Quảng Ngãi

  • Nhóm D: nhóm cảng Nam Trung Bộ từ Bình Định tới Ninh Thuận

  • Nhóm E: nhóm cảng biển khu vực tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tầu

  • Nhóm F: nhóm cảng đồng bằng sông Cửu Long

  • Nhóm G: nhóm cảng các đảo Tây Nam Bộ

  • Nhóm H: nhóm cảng Côn Đảo

a) 

 b)


Hình 5. Vị trí (a) và sơ đồ (b) cảng Nghi Sơn
(nguồn: Vũ Cần, 2005).

Cảng Nghi Sơn (hình 5) nằm ở vũng Nghi Sơn gồm cảng chuyên dùng cho nhà máy xi măng (ở phía Bắc hòn Nghi Sơn), tiếp nhận tầu tới  30 000 T và một cảng tổng hợp (ở phía nam), tiếp nhận tầu 5 000 T. Nghi Sơn nằm ở phía Nam huyện Tĩnh Gia Thanh Hoá, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 60 km về phía Nam. Đảo Nghi Sơn dài khoảng 4,5 km, rộng nhất 1,3 km; cùng với đất liền tạo thành 2 vũng là phía Bắc và phía Nam.

Theo quyết định Số: 2249/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2008 Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Cảng biển Nghi Sơn khu vực vịnh phía Nam đảo Biện Sơn – tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến 2025:
Là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá phục vụ khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng lân cận. Gồm các khu bến chức năng: 1- Khu vực phía Bắc đảo Biện Sơn là khu các bến chuyên dùng cho tàu 3-5 vạn DWT phục vụ liên hợp lọc hóa dầu, xi măng, hàng rời, hàng lỏng; 2- Khu vực phía Nam đảo Biện Sơn là khu các bến tổng hợp, container cho tàu 3-5 vạn DWT, có bến chuyên dùng; 3- Khu vực đảo Hòn Mê là khu bến chuyển tải, neo trú bão và phục vụ mục đích du lịch, quốc phòng.

Là cảng tổng hợp đa năng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá phục vụ KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá và các vùng lân cận. Tổng lượng hàng qua cảng năm 2015 là 26.772 nghìn tấn; năm 2020 là 38.710 nghìn tấn và  năm 2025 là 55.310 nghìn tấn. Giai đoạn 2015: tiếp nhận cỡ tầu 30.000¸ 50.000 DWT. Giai đoạn 2020 và 2025: tiếp nhận cỡ tầu 50.000 DWT. Tổng diện tích quy hoạch là 922ha. Trong đó, phạm vi quy hoạch vùng đất là 438ha, vùng nước là 484 ha.

- Phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá

Nằm ở sát biển và có các cửa sông kín gió làm bên thuyền, Thanh Hóa là tỉnh có nghề cá biển phát triển từ lâu đời. Theo Charles Robequain (1929), từ đầu thế kỷ 20, Thanh Hóa đã là một địa bàn có nghề các biển sôi động nhất Đông Dương. Tiềm năng neo trú tránh bão, gió cho tàu thuyền chính là một dạng giá trị tài nguyên vị thế của các thuỷ - địa hệ tự nhiên trên vùng biển và ven bờ. Nghề đi biển, chủ yếu là đánh cá thường hay gặp rủi ro do bão, gió mạnh. Trung bình mỗi  năm có 5 – 6 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới (năm 2006 là 10 cơn bão và 4 áp  thấp  nhiệt đới) ảnh hưởng đến vùng biển nước ta và gây ra các  hậu quả nghiêm trọng. Để giảm thiểu thiệt hại do bão gió gây ra, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có xây dựng các khu tránh bão cho tàu thuyền đánh cá.

Vùng nước nước tương đối kín sóng gió, đủ rộng, đủ sâu để đảm bảo cho tàu, thuyền neo trú an toàn khi có thời tiết bất thường (dông, bão v.v.).

  • Độ sâu và độ rộng luồng lạch ra vào khu neo trú đủ lớn, đảm bảo cho tàu thuyền  qua  lại cả khi thời tiết bình thường và bất thường.

  • Động lực luồng lạch khá ổn định, mức độ sa bồi không lớn, ít hoặc không  phải nạo vét thường xuyên.

  • Không có những biến cố bất thường về điều kiện khí tượng, thủy văn (lốc cục bộ, dòng chảy xiết và dòng xoáy v.v.).

  • Có các điều kiện tổ chức dịch vụ cung ứng và cứu hộ v.v.

Thủ tướng chính phủ ra Quyết định Số: 1349/QĐ-TTg ngày 09 tháng 08 năm 2011 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Đến năm 2020 có 131 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với năng lực đáp ứng chỗ neo đậu cho 84.200 tàu cá, gồm: tuyến bờ có 115 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với tổng năng lực đáp ứng neo đậu cho 75.650 tàu cá. Trong đó có 12 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, 103 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh. Tuyến đảo có 16 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với tổng năng lực đáp ứng neo đậu cho 8.550 tàu cá. Trong đó có 5 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, 11 khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh (bảng 5).

Bảng 5. Danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Theo Quyết định số 1349/QĐ-TTg)

TT

Khu neo đậu tránh trú bão

Quy mô

 Ghi chú

1

Lạch Trường, huyện Hậu Lộc

700ch/350cv

Kết hợp cảng cá Hòa Lộc

2

Lạch Hới, thị xã Sầm Sơn

1000ch/600cv

Cấp vùng

3

Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia

800ch/400cv

Kết hợp cảng cá Lạch Bạng

4

Kênh Sao La, huyện Nga Sơn

300ch/200cv

 

5

Cửa Sông Lý, huyện Quảng Xương

300ch/200cv

 

6

Lạch Trào, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa

300ch/200cv

 

Vùng biển vịnh Bắc Bộ: có 35 khu neo đậu; vùng biển miền Trung: có 57 khu neo đậu,  trong đó có 52 khu neo đậu ven bờ và 5 khu neo đậu ở đảo (Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Đá Tây, Phú Quý); Vùng biển Đông Nam Bộ: có 23 khu neo đậu; Vùng biển Tây Nam Bộ: có 16 khu neo đậu.


2.4. Cửa mở ra biển cho hợp tác kinh tế khu vực

Hành lang kinh tế Đông-Tây (HLKTĐT). Được tài trợ của ADB và Chính phủ Nhật Bản, dài 1.450km đã chính thức thông tuyến vào ngày 20-12-2006, qua 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mianma, nối cảng Tiên Sa( Việt Nam) với cảng Mawlamyine (Myanma), cũng là nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Hành lang này có ý nghĩa to lớn về KT-XH, hợp tác phát triển và xóa đói giảm nghèo. Thật vậy, hành lang cắt qua chủ yếu là các vùng nghèo trong nội địa, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương này; đồng thời mở rộng hợp tác, khai thác những lợi thế của mỗi nước, những di sản thiên nhiên và văn hóa; mở rộng kinh tế. Dưới đây là các tuyến kinh tế quan trọng của hành lang tại Bắc Trung Bộ:

- Tuyến kinh tế dọc đường 8, là tuyến chủ yếu nối Thủ đô Viên Chăn của Lào qua cửa khẩu Cầu Treo ra các cảng biển phía Đông của Việt Nam là cảng Cửa Lò (Nghệ An) và Vũng Áng  thuộc Hà Tĩnh.

-  Tuyến kinh tế dọc đường 12, được nối cửa khẩu quốc tế Cha Lo ở phía Tây qua các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá và Quảng Trạch (Quảng Bình) với Khu kinh tế và cảng Hòn La (Quảng Bình) và Khu kinh tế - cảng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh).

-  Tuyến kinh tế dọc đường 9: Quốc lộ 9 nối từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với Quốc lộ 1A tại Đông Hà ra cảng Cửa Việt thuộc Quảng Trị.

- Tuyến dọc ven biển nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

- Với Thanh Hóa có tuyến kinh tế đường 47 (từ Na Mèo đến Nghi Sơn, Thanh Hóa): Đây là tuyến trục giao thông chính nối cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa) với thành phố Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn, gắn với cảng biển Nghi Sơn qua các QL217, QL15, QL47 và QL1. Cửa khẩu Na Mèo trên QL217 cách Tp.Thanh Hóa 194 km, qua huyện lỵ Viêng Xay - đi qua Thủ đô Cách mạng, Sầm Nưa và từ đó có thể tới Xiêng Khoảng. Khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo và phát triển kinh tế cửa khẩu trong thế liên kết, hỗ trợ với khu kinh tế Nghi Sơn và  khai thác cảng tổng hợp Nghi Sơn.

Do nằm ở vị trí cực Bắc Trung Bộ và giáp Bắc Bộ, Thanh Hóa được thừa hưởng những lợi ích lan tỏa của khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và những ưu thế của vị trí trung tâm của không gian kinh tế dải ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ nối tuyến với các hành lang Hải Phòng – Côn Minh, Hải Phòng – Nam Ninh, nhất là khi tuyến  đường cao tốc ven biển cả nước được hình thành.


III.  TÀI NGUYÊN VỊ THẾ ĐỊA CHÍNH TRỊ


3.1. Giá trị bảo vệ đất nước.

            Do đặc diểm điều kiện tự nhiên, vấn đề bảo vệ đất nước đặt ra cho vùng bờ biển và các đảo ven bờ nói riêng, và cả cả tỉnh Thanh Hóa nói chung, một nhiệm vụ rất nặng nề.
Bắc Trung Bộ nói chung và Thanh Hóa là nơi có ít đảo và phân bố cách nhau khá xa, mỗi đảo ở đây đều có vị thế quan trọng của mình, vì vậy phải có quy hoạch quốc phòng cho từng đảo, kể cả các đảo rất nhỏ. Đặc biệt quan trọng là các cụm đảo Hòn Mê của Thanh Hóa liên kết với các cụm hòn Ngư- hòn Mắt của Nghệ An; các cụm hòn Lạp- hòn Nồm, cụm  hòn Én-hòn Oản, cụm hòn Con Chim- hòn Sơn Dương của Hà Tĩnh; cụm hòn La- hòn Cò của Quảng Bình và cụm đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị ở cửa Vịnh Bắc Bộ. Một đặc điểm của dải bờ Bắc Trung Bộ là biển ăn rất sâu vào đất liền( tại vịnh Diễn Châu), mà bên ngoài thì đảo thưa thớt: đây thực sự là một vùng biển hở. Trong bối cảnh đó tầm quan trọng của Hòn Mê và Cồn Cỏ phải được nhấn mạnh đặc biệt. Phát triển kinh tế ở đây không thể để ảnh hưởng đến quy hoạch không gian cho quốc phòng.
Do phòng tuyến đảo bên ngoài quá mỏng, vùng ven biển đã trở thành dải đất tiền tiêu trên phần lớn chiều dài ven biển của mình. Chính ở đây phải nhắc đến vai trò quan trọng cho quốc phòng của các mũi nhô và các cửa sông, cửa lạch, là những nơi cần quy hoạch cho phòng thủ. Những mũi đất như mũi Hoàng Yến, Sầm Sơn, Mũi Bạng, Biển Sơn là những điểm tháp canh – vọng gác và đồn trú vững chắc, cùng với Hòn Nẹ và Hòn Mê đủ sức bảo vệ an ninh cho toàn tuyến bờ biển kéo dài của Thanh Hóa, cũng như có đủ sức mạnh vươn ra khơi hỗ trợ cho Bạch Long Vĩ,  bảo vệ vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở vùng trung tâm và cửa Vịnh Bắc Bộ.
Thanh Hóa có 5 cửa sông, cửa lạch chính; chúng đều phải trở thành các “cửa thành” kiên cố, những căn cứ phòng thủ vững chắc cho vùng nội địa, đặc biệt là các cửa có vị thế quan trọng cho quốc phòng như Lạch Trường và Lạch Ghép. Cửa sông Lạch trường thông ra biển liên kết với Hòn Nẹ, lại dựa vào thế của Mũi Hoằng Yến phía Tây Nam nên trở thành một vị trí phòng thủ hiểm yếu.
Hòn Mê là tiền đồn canh giữ trên biển, một chiến hạm không thể đánh chìm. Trong kháng chiến chống Mỹ cán bộ, chiến sĩ đảo Hòn Mê đã bắn rơi, bắn cháy 33 máy bay; bắn chìm, bắn cháy 18 tàu chiến Mỹ. Năm 1969, đảo Hòn Mê đã được Nhà nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cũng tại Hòn Nẹ, vào tháng 7 năm 1964, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã chọn Hòn Nẹ làm nơi phục kích để  ngày 2 tháng 8 năm 1964 đã đánh đuổi sự khiêu khích và vi phạm chủ quyền của tàu khu trục Maddox trong "sự kiện Vịnh Bắc Bộ".
Trong lịch sử, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn là phòng tuyến phòng thủ của nghĩa quân Tây Sơn, dựa vào dãy núi Tam Điệp và đảo Biện Sơn, một hệ thống đồn lũy đã được xây dựng tạo thành phòng tuyến thủy bộ vững chắc, bảo toàn được lực lượng, tạo cơ sở cho Nguyễn Huệ mở chiến dịch đại phá quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789).


3.2. Giá trị mở rộng và đảm bảo lãnh hải, chủ quyền quốc gia trên biển

Trên cả dải bờ Bắc Trung Bộ, đảo Cồn Cỏ được đánh giá là địa bàn quan trọng bậc nhất trong việc mở rộng lãnh hải và chủ quyền quốc gia trên biển. Hòn Mê tuy không được như Cồn Cỏ, nhưng cũng có thể được xem như một điểm chuẩn của đường cơ sở, cùng với hòn Mắt và Cồn Cỏ tạo thành một đường cơ sở, xác định vùng nội thủy cho dải bờ Bắc Trung Bộ, tạo một hành lang biển ven bờ quý giá cho phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc gia. Cũng tại Hòn Mê có thể bao quát được một vùng biển rộng lớn, suốt từ Ninh Bình đến Bắc Nghệ An, trong đó có vùng vịnh Diễn Châu, nơi biển ăn sâu nhất vào lục địa.
Các đảo này không chỉ góp phần tạo nên một cụm cứ điểm quân sự vững chắc ở khu vực giữa dải ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ mà còn là mắt xích quan trọng  trong phòng tuyến các đảo ven bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và trạm gác, tháp canh tiền tiêu và bao quát rộng lớn ở khu vực giữa dải ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ.

Vùng bờ biển Thanh Hóa, thông qua các hoạt động kinh tế trên biển nhờ có cơ sở hạ tầng ven bờ, đã góp phần đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Trên thực tế,  với cơ sở hạ tầng nghề cá tại bờ khá tốt, ngư dân Thanh Hóa đã tham gia rất tích cực khai thác vùng đánh cá chung với Trung Quốc trên Vịnh Bắc Bộ, góp phần đảm bảo lợi ích và chủ quyền quốc gia trên vịnh.


3.3.Tương quan không gian chính trị của vùng ven bờ Thanh Hóa trong khu vực

Vùng bờ biển Thanh Hóa như là một cầu nối chuyển tiếp giữa ven bờ Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ, từ đó có thể khai thác lợi ích trong các dịch vụ giao thông quá cảnh, vận chuyển hành khách và hàng hóa, dọc theo các tuyến quốc lộ và đường sắt Bắc- Nam, đặc biệt khi đường cao tốc dọc bờ biển được hình thành. Về mặt biển, vùng bờ biển Thanh Hóa tuy không có được vị thế  như của Hải Phòng ở Bắc Bộ hay Đà Nẵng ở Nam Trung Bộ, nơi có những bến cảng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, gần các tuyến hàng hải quốc tế để chủ động mở cửa hướng ngoại, nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng làm cửa mở cho các vùng nội địa Bắc Trung Bộ, thậm chí Bắc Bộ thông qua cảng biển Nghi Sơn.

Thanh Hóa có vị thế làm cửa ngõ cho Lào, mặc dù chức năng đó hiện còn mờ nhạt nhưng đã bước đầu nâng cao uy tín của Việt Nam.

Thanh Hóa có vùng biển chủ quyền tiếp giáp trực tiếp vùng biển Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ. Vị vậy, Thanh Hóa là một trong 10 tỉnh thành thuộc vịnh và cửa vịnh Bắc Bộ có quan hệ không gian kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) hậu phương vững chắc là chiến khu Việt Bắc, nhưng trong chiến tranh chống Trung Quốc (1979) Việt Bắc và cả Tây Bắc lại là tiền tuyến. Trong chiến tranh tương lai nếu xảy ra không theo mong muốn, một hậu phương cho Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và cả Bắc Trung Bộ sẽ không thể là Tây Bắc hay Việt Bắc nữa, mà phải là Thanh Hóa-Nghệ An. Và hiện nay việc xây dựng một số đường cao tốc từ Hà Nội nối Hòa Bình, Ninh Bình với Thanh Hóa-Nghệ An đi trên vùng đồi núi là rất cấp thiết (Lê Đức An và Trần Đức Thạnh, 2012). Trong bối cảnh như vậy, vai trò cửa ngõ của vùng bờ Thanh Hóa lại càng vô cùng quan trọng, đảm bảo tiếp vận và bảo vệ an toàn cho thủ “thủ đô kháng chiến”. Bài học lịch sử trong trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai vào  năm 1285 với hai lần hai vua Trần chạy từ Hải Phòng vào Thanh Hóa vẫn còn nguyên giá trị.