TAI BIẾN MÔI TRƯỜNG

   
   

Tai biến môi trường tự nhiên vùng bờ biển tỉnh Thanh Hóa hầu như chỉ do các quá trình tự nhiên (thiên tai), cụ thể do các quá trình động lực ngoại sinh nguồn gốc khí quyển – các nhiễu động khí hậu điển hình là bão và áp thấp nhiệt đới, kèm theo mưa lớn dài ngày trên diện rộng sinh lũ và ngập lụt, sóng lớn và nước dâng gây nhiễm mặn và xói lở bờ biển. Ngoài ra, gió mạnh trong bão còn phá hủy trực tiếp các công trình dân sinh. Ngược với hình thế thời tiết gây mưa lớn, hình thế thời tiết sinh hạn với gió Tây khô nóng ảnh hưởng mạnh tới đời sống và sản xuất nông nghiệp. Bắt nguồn từ các quá trình động lực ngoại sinh, đặc điểm của thiên tai là xảy ra theo mùa.


Bão và hậu quả của bão

Bão là hiện tượng thời tiết cực đoan do nhiễu động khí quyển gây ra. Ở Việt Nam, bão được hiểu là bão nhiệt đới (tropical storm), là hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm uất hiện trên các vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương (typhoon). Bão thường kèm theo mưa lớn dài ngày trên diện rộng và gây nên hiện tượng nước biển dâng.

Bão hàng năm hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam và Bác Trung Bộ phát sinh từ khu vực Tây Thái Bình Dương vượt qua Philippin vào Điển Đông và một phần hình thành ngay trên Biển Đông. Những cơn bão hình thành trên Biển Đông thường có hướng di chuyển rất phức tạp và khó dự báo.

Bão hoạt động trên Biển Đông thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, sớm, có thể từ tháng 2, tháng 4 và muộn, kéo dài đến tháng 11, 12. tập trung  nhiều vào tháng 8 và tháng 9. Theo số liệu thống kê 98 năm về hoạt động của bão trên Biển Đông, năm nhiều nhất có tới 18 cơn bão, năm ít nhất có 3 cơn và trung bình năm có khoảng 10 cơn bão ảnh hưởng tới khu vực nghiên cứu. Trong thời gian 1996-2005, có 39 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ biển Việt Nam, trong đó có 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp tới Thanh Hóa. Theo số liệu thống kê trong khoảng 30 năm gần đây, bão hoạt động ở ven bờ biển Việt Nam tăng dần, trung bình cứ mười năm tăng thêm một cơn bão. Trong thời gian 1960-1969, mỗi năm có 5,2 cơn bão, nhưng trong thời gian 1970-1979,  mỗi năm có 6,6 cơn bão và trong thời gian 1980-1989, mỗi năm có 7,2 cơn bão.

Tần suất xuất hiện bão mạnh cũng có xu thế tăng lên. Trong thời kỳ trước năm 1980, thường trong 2-3 năm có một cơn bão mạnh với sức gió cấp 12 và lớn hơn, nhưng từ năm 1980 đến nay, khoảng 1-2 năm có một cơn bão mạnh.

Trong thời gian 55 năm qua (1954-2008), có 240 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển miền Trung Việt Nam, trung bình mỗi năm có 4,4 cơn, xuất hiện từ tháng 3, thường từ tháng 5 tới tháng 12 nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 9 (29 %) và tháng 10 (26,1 %) (N. Đ. Hậu, N. T. Tùng, 2009). Bão thường kèm theo mưa lớn (lượng mưa đạt 26-50 mm) và rất lớn (trên 50 mm) dài ngày trên diện rộng. Cu thể, khi bão và áp thấp nhiệt đới  đổ bộ và vùng bờ biển tỉnh Thanh Hóa, tại thành phố Thanh Hóa, tấn suất mưa lớn đạt 18 %, mưa rất lớn đạt 54 %, tương tự là 17 % và 50 % ở Tĩnh Gia. Khi bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh, mưa lớn và rất lớn Thanh Hóa cũng có tấn suất cao, 20% và 57 %; khi bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển các tỉnh Quảng Bình-Thừa Thiên Huế, mưa lớn và rất lớn tại Thanh Hóa có tần suất 25 % và 13 %; khi bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển ccs tỉnh, thành phố Nam Đèo Ngang, mưa lớn và rất lớn ở Thanh Hóa có tần suất dưới 10 %.

Mưa lớn dài ngày trên diện rộng sinh lũ và ngập lụt đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hóa ở quy mô khác nhau xảy ra hàng năm, gây hậu quả nặng nề cả về người và sản nghiệp. Trận mưa kéo dài 3 ngày (9-11/9/2011) ở Thanh Hóa với lượng mưa đo được 632 mm ở Tĩnh Gia, 350 mm ở thành phố Thanh Hóa, 300 mm ở Nông Cống hay 250 mm ở Như Xuân đã nhấn chìm hàng chục ngàn hecta lúa màu, trong đó có gần 6 ngàn hecta lúa hầu như bị mất trắng.


Xói lở bờ biển 


Xói lở bờ biển dù ở quy mô nào cũng ảnh hưởng tới nơi sinh cư và các điều kiện sinh cư của cộng đồng dân cư ven biển. Xói lở bờ biển tỉnh Thanh Hóa xảy ra ở nhiều nơi với quy mô và cường độ khác nhau. Theo đánh giá bước đầu của N.V. Cư và P. H. Tiến (2003), trong khoảng thời gian 1990-1996, bờ biển tỉnh Thanh Hóa bị xói lở trên nhiều đoạn thuốc các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia, trong đó có 7 đoạn dài 200-1 000 m, 3 đoạn dài 1 000-2000 m và 3 đoạn dài 2 000-6 000 m. Tổng diện tích các khu vực bị xói lở đạt tới 1 019,5 ha, trong khi được bồi 962,4 ha, như vậy thực tế xói lở làm mất đi diện tích 57,1 ha (bảng 1).

Bảng 1. Cân bằng bồi tụ -xói lở bờ biển tỉnh Thanh Hóa

Bồ biển

Diện tích khu vực được bồi tụ (ha)

Diện tích khu vực     bị xói lở (ha)

Cân bằng (ha)

Nga Sơn

263,4

71,8

191,6

Hậu Lộc

60,1

204,4

-144,3

Hoằng Hóa

205,1

256,9

-51,8

Sầm Sơn

158,8

36,8

122,0

Quảng Xương

115,6

144,4

-28,8

Tĩnh Gia

159,4

305,2

-145,8

Tổng

962,4

1 019,5

-57,1

Tính theo số liệu của N.V Cư, P. H. Tiến, 2003

.