MÔI TRƯỜNG TRẦM TÍCH

Trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa có độ ẩm tương đối thấp, dao động trong khoảng 21,6% – 62,3%. Trầm tích khu vực thể hiện môi trường kiềm yếu trong cả hai mùa, thường xuyên bị xáo trộn trong toàn vùng cũng như trong từng đới độ sâu phân bố, đang trong giai đoạn đầu của quá trình khử và các thông số địa hóa môi trường không thể hiện rõ xu hướng biến động mùa.

a)

b)

c)

d)

Hình 1. Môi trường trầm tích vùng biển Thanh Hóa: giá trị trung bình của a) - độ ẩm; b) - cấp hạt; c) – pH; d) - Eh

 


CHẤT LƯỢNG TRẦM TÍCH

Trong cả hai mùa, trầm tích có hàm lượng các chất dinh dưỡng Pts, Nts và Chc đều tương đối thấp so với các vùng biển khác do hạn chế cả nguồn cung cấp tại chỗ và nguồn do sông đưa ra.

Phốt pho trong trầm tích tầng mặt vùng ven bờ Thanh Hóa dạng vô cơ  chủ yếu được các sông Mã, sông Đáy và sông Ninh Cơ đưa ra, dạng hữu cơ chủ yếu từ nguồn cung cấp tại chỗ là mùn bã hữu cơ và động vật đáy vùng triều. Hàm lượng Pts trung bình trong trầm tích về mùa khô cao thường hơn về mùa mưa trong toàn vùng biển ven bờ (mùa khô 158,7mg/kg – mùa mưa 120,18mg/kg) cũng như tại các đới độ sâu (vào mùa khô 119,4mg/kg – 254,7mg/kg vào mùa mưa 75,4mg/kg – 218,9mg/kg). Hàm lượng Pts trong trầm tích vào mùa khô cao hơn vào mùa mưa, hàm lượng Pts tập trung cao ở trên các bãi triều có thực vật ngập mặn và thấp hơn ở các đới xa bờ, hình 2.



Hình 2. Hàm lượng trung bình Pts trầm tích tầng mặt ven bờ Thanh Hóa

Nitơ trong trầm tích chủ yếu được cung cấp từ mùn bã hữu cơ của sinh vật vùng triều. Hàm lượng Nts trong trầm tích tầng mặt vùng biển ven bờ Thanh Hóa ở tất cả các đới độ sâu phân bố vào mùa khô cao hơn vào mùa mưa và có khoảng giá trị biến động lớn theo cả hai mùa. Theo mùa, mức biến động hàm lượng Nts thể hiện rõ rệt hơn so với mức biến động hàm lượng Pts, xem hình 2 và hình 3.



Hình 3. Hàm lượng trung bình Nts trầm tích tầng mặt ven bờ Thanh Hóa


Cácbon hữu cơ trong môi trường phản ánh quá trình sinh sống và phát triển của thế giới sinh vật và điều kiện môi trường. Với thủy vực có cấu trúc hở, môi trường có điều kiện trao đổi tốt, hàm lượng Chc trong trầm tích thường thấp. hàm lượng Chc trong trầm tích tầng mặt ven bờ Thanh Hóa vào mùa mưa (trung bình 661,26mg/kg) cao hơn vào mùa khô (trung bình 371,13mg/kg), có khoảng biến động rộng trong cả hai mùa và trong từng đới độ sâu.

Ở tất cả các đới độ sâu, hàm lượng Chc trong trầm tích tầng mặt ven bờ Thanh Hóa vào mùa mưa đều cao hơn vào mùa khô và có xu hướng phân bố giảm dần từ khu vực bãi triều, rừng ngập mặn ra xa bờ, hình 4.



Hình 4. Hàm lượng trung bình Chc trầm tích tầng mặt ven bờ Thanh Hóa


CÁC TÁC NHÂN GÂY Ô NHIỄM

 Vào mùa khô, hàm lượng các kim loại nặng trong trầm tích đều còn rất thấp so với giới hạn cho phép, tuy nhiên vào mùa mưa chúng đã tăng lên rất đáng kể thậm chí vượt giới hạn cho phép từ 1, 2 đến 5 lần (trừ Cd, hàm lượng vẫn còn thấp) theo QCVN 43: 2012/BTNMT.

Hình 5. Phân bố hàm lượng một số kim loại nặng trong trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa


Hàm lượng tổng PCBs trong trầm tích đều còn rất thấp so với giá trị giới hạn theo Quy chuẩn hay trầm tích chưa bị ô nhiễm bởi HCBVTV. Vào mùa khô, trầm tích ven bờ Thanh Hóa có hàm lượng tổng HCBVTV phân tích được biến đổi trong khoảng 0,3570 – 1,2682 mg/kg khô, trung bình đạt 0,7653 mg/kg khô. Trong đó, hàm lượng lindan trong khoảng 0,087 – 0,1909 mg/kg khô, trung bình 0,1238 mg/kg khô; aldrin 0,0398 – 0,0576 mg/kg khô, trung bình 0,0513 mg/kg khô; endrin 0,1226 – 0,6775 mg/kg khô, trung bình 0,3750 mg/kg khô; 4,4’ DDE 0,0936 – 0,1379 mg/kg khô, trung bình 0,1181 mg/kg khô; rất nhiều mẫu 4,4’ DDD (27/32 mẫu phân tích), 4,4’ DDT (21/32 mẫu) và dieldrin (32/32 mẫu) có mức hàm lượng dưới giới hạn phát hiện. Nhìn chung, hàm lượng của từng hợp chất trong tất cả các mẫu phân tích trong cả 2 mùa mưa và khô đều còn rất thấp so với QCVN 43:2012/BTNMT cho mục đích bảo vệ đời sống thủy sinh đối với trầm tích biển, hay trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa chưa bị ô nhiễm bởi HCBVTV theo QCVN43. Hàm lượng tổng HCBVTV trong trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa vào mùa mưa cao hơn vào mùa khô và phân bố hàm lượng tổng cũng như hàm lượng từng HCBVTV trong trầm tích ở các khu vực độ sâu không có sự khác biệt lớn, hình 6.

Hình 6. Phân bố hàm lượng tổng HCBVTV trong trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa

Vào mùa khô, hàm lượng tổng PCBs trong trầm tích biển ven bờ Thanh Hóa biến động trong khoảng 1,68 – 21,75 µg/kg khô, trung bình 4,82 µg/kg khô, vào mùa mưa biến động khoảng 1,48 – 8,35 µg/kg khô, trung bình 4,58 µg/kg khô. Hàm lượng tổng PCBs trong trầm tích còn rất thấp so với giá trị giới hạn theo QCVN 43:2012/BTNMT (189 µg/kg khô) và không có sự khác biệt lớn giữa hai mùa.

Tuy nhiên, cũng có 2 mẫu phân tích có hàm lượng tổng PCBs cao đột biến: một mẫu mùa khô tại khu vực bãi biển thị xã Sầm Sơn với mức hàm lượng 244,3 µg/kg khô, cao hơn GHCP theo QCVN 43 khoảng 1,3 lần và một mẫu vào mùa mưa trong rừng ngập mặn khu vực cửa Lạch Ghép có hàm lượng PCBs đạt 89,13 µg/kg khô tuy chưa tới ½ GHCP nhưng cũng cao hơn từ 4  đến 60 lần so với các mẫu còn lại. Cần tiếp tục theo dõi liệu có nguồn cung cấp PCBs ở lân cận hai khu vực này?
Xu hướng chung trong cả hai mùa, tích lũy PCBs trong trầm tích cao hơn ở khu vực bãi triều – rừng ngập mặn và vùng nước ven bờ (5,75 – 6,93 µg/kg khô vào mùa khô; 3,70 – 5,12 µg/kg khô vào mùa mưa) sau đó giảm dần khi ra xa bờ, hình 7.


Hình 7. Hàm lượng tổng PCBs trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa

Hàm lượng dầu mỡ (mùa mưa 142,3mg/kg; mùa khô 55,0mg/kg) và xyanua (mùa mưa 0,064mg/kg; mùa khô 0,04mg/kg) trong trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa đều giảm đáng kể so với hàm lượng trung bình nhiều năm tại trạm Sầm Sơn.



Hình 8. Phân bố hàm lượng dầu mỡ trong trầm tích biển ven bờ Thanh Hóa

Trầm tích vùng biển ven bờ Thanh Hóa hiện tại hầu như chưa bị ô nhiễm, trừ một số kim loại nặng đã có mức hàm lượng vượt giới hạn cho phép vào mùa mưa. Mức hàm lượng của hầu hết các chất ô nhiễm trong trầm tích tại các đới độ sâu không có sự khác biệt lớn và vào mùa mưa thường cao hơn vào mùa khô.