Thanh Hoá có 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, với những bãi cá, bãi tôm có trữ lượng lớn. Dọc bờ biển có 5 cửa lạch lớn, thuận lợi cho tàu thuyền đánh cá ra vào. Đây cũng là những trung tâm nghề cá của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ. Ở vùng cửa lạch là những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha, thuận lợi cho nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối. Vùng biển, ven biển đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như của đất nước, với sự ra đời của Khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng như: dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn công suất 10 triệu tấn/năm, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1200MW.... Các hoạt động này đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của địa phương cũng như của quốc gia.

Vùng bờ biển là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, bao gồm phần lục địa ven biển và phần biển ven bờ; theo đó, vùng bờ biển tỉnh Thanh Hoá được lựa chọn như sau: phần lục địa ven biển tính theo ranh giới hành chính của 6 huyện, thị xã ven biển bao gồm: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, thị xã Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia; phần biển ven bờ tính tới độ sâu khoảng 30 m nước, bao gồm cả các đảo ven bờ (nhóm đảo Hòn Mê -Nghi Sơn, Đảo Nẹ). Vùng biển ven bờ có tính đa dạng sinh học cao với sự phong phú của các hệ sinh thái (HST vùng cửa sông, HST rừng ngập mặn, rạn san hô, vũng biển, ...) tạo nên sự giàu có của nguồn tài nguyên sinh vật và điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển nguồn tài nguyên phi sinh vật (như tài nguyên vị thế, tài nguyên du lịch ...). Hơn nữa, nơi đây còn có nguồn tài nguyên khoáng sản rất phong phú, sa khoáng ilmelit, zircon, vật liệu xây dựng,...) nên vùng đới bờ có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế bền vững ven biển và ven bờ. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng nhằm phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo có nhiều nguy cơ gây nên những tác động xấu đối với môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên (tái tạo và không tái tạo),... dẫn đến xung đột giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững.

Ngoài ra việc phát triển kinh tế biển trong khu vực còn phải đối mặt với nhiều rủi ro và hiểm họa như: sự xâm nhập nước biển sâu vào đất liền, xói mòn, sạt lở và bồi tụ bờ biển, bão lũ, ô nhiễm môi trường..... Mặt khác cho đến nay, tư liệu về tài nguyên và môi trường vùng bờ biển tỉnh Thanh Hoá còn thiếu do mức độ điều tra còn thấp và chưa đồng bộ, trong khi vùng ven bờ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai, trong vài thập kỷ tới với sự gia tăng dân số và mở rộng các ngành công nghiệp, đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về xung đột về môi trường và xã hội, đòi hỏi phải có việc thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp.

Để có được cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, phát triển kinh tế biển một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quy hoạch tổng thể-khai thác nguồn lợi tự nhiên một cách hợp lý, phục vụ công cuộc xây dựng–phát triển bền vững kinh tế vùng biển, ven biển cần phải có cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên môi trường biển có tính thống nhất. Thông qua đó sẽ xác định những xung đột giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những xung đột để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xoá đói giảm nghèo khu vực. Hiện nay chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp nào giúp cho tỉnh Thanh Hóa và đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa theo dõi, xử lí các loại thông tin cần cho công tác qui hoạch, quản lí và khai thác các tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ biển. Các dữ liệu và thông tin được lưu trữ rải rác ở nhiều cơ quan, đơn vị, bộ ngành khác nhau và cũng chưa được xử lí phù hợp cho mục tiêu quản lí quản lý vùng bờ biển. Hơn thế nữa, hệ thống cơ sở dữ liệu cũng chưa được phát triển bằng việc sử dụng các công nghệ hiện đại như tin học, hệ thông tin địa lí (GIS)... cho tỉnh Thanh Hóa, mà hệ thống này đóng vai trò hết sức quan trọng trong lưu trữ, xử lí thông tin phục vụ công tác quản lí thường xuyên.

Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển tỉnh Thanh Hoá do Sơ Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa làm chủ đầu tư và Viện Tài nguyên và Môi trường biển làm tư vấn đã hoàn thành sau 2 năm thực hiện. Kết quả chính của dự án là đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển tỉnh Thanh Hóa. Đây một hệ thống thông tin tổng hợp về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng bộ cả phần mềm (các cơ sở dữ liệu GIS và các phần mềm xử lý thông tin) và đào tạo nhân lực vận hành hệ thống (cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường). Đây là một sản phẩm khoa học công nghệ thể hiện rõ nét ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp kiến thức chuyên môn đa ngành vào công tác quản lý, phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vùng bờ biển tỉnh Thanh Hóa. Hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển tỉnh Thanh Hoá giúp cho Tỉnh có cơ sở xây dựng các phương án, các giải pháp trong công tác quản lí, cũng như phối hợp tốt hơn với các đơn vị, sở, ban, ngành trong và ngoài tỉnh để bảo vệ, sử dụng hợp lí và phát huy những giá trị của vùng bờ biển.